Bài báo cùng quyển |
---|
Kiến thức bản địa trong việc thu hái tự nhiên và sử dụng tài nguyên dược liệu tại tỉnh An Giang
Tóm tắt
Mục tiêu đề tài giúp khảo sát lại việc khai thác tự nhiên và sử dụng nguồn tài nguyên dược liệu thông qua kiến thức bản địa của người dân địa phương nhằm làm tiền đề cho các dự án phát triển và bảo tồn nguồn dược liệu quý hiếm dựa trên sự quản lý của cộng đồng tại địa phương. Nghiên cứu được thực hiện trên 4 xã của huyện Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang (An Hảo, An Phú, Nhơn Hưng và chợ Thị trấn Tịnh Biên). Phương pháp định tính được thực hiện trong nghiên cứu để thu thập và phân tích số liệu. Cả hai nhóm thu hái để bán và nhóm thiện nguyện chủ yếu thu hái dựa trên kinh nghiệm đúc kết được. Đa số họ đều đi thu hái ở bất kỳ thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây (76,4%), và có 14,7% quan tâm đến đặc điểm của cây khi lấy củ, trong khi đó thu hái lá thì lấy cả thân (39,7%), hoặc nhổ cả cây (35,8%). Ngoài ra, đa số họ biết cách sơ chế bằng cách bào mỏng/hoặc chặt thành từng khúc nhỏ, phơi trên các tấm bạt, và nhận biết độ khô khi lõi bên trong cây thuốc khô, thuốc giòn và nhẹ. Đa số người dân thường dùng một loại hoặc kết hợp nhiều loại cây để tác dụng của thuốc có hiệu lực hơn. Thêm vào đó, sức mạnh niềm tin của người bệnh để tăng hiệu nghiệm của thuốc cũng được nhấn mạnh từ các thầy thuốc gia truyền.
Từ khóa: Kiến thức bản địa, dược liệu, thu hái tự nhiên, sử dụng, An Giang