Bài báo cùng quyển |
---|
Ảnh hưởng của các mức đạm và biện pháp bón thấm urê đến sinh trưởng và năng suất lúa trên đất phù sa tại Bình Minh - Vĩnh Long
Tóm tắt
Mục tiêu của nghiên cứu là (i) đánh giá ảnh hưởng của các mức đạm và phương pháp bón thấm urê đến sinh trưởng, năng suất lúa đông xuân; (ii) xác định hiệu quả nông học sử dụng phân bón đạm trên đất phù sa. Thí nghiệm thừa số hai nhân tố trong bố trí khối hoàn toàn ngẫu nhiên với ba mức phân đạm (0, 80 và 120 kgN ha-1) và ba phương pháp bón phân đạm (CF: bón đạm theo truyền thống; PA1: bón thấm urê và tái ngập ngay sau đó; và PA2: Bón thấm urê và tái ngập sau một ngày), với bốn lặp lại được thực hiện ở thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Kết quả thí nghiệm cho thấy, gia tăng lượng đạm làm tăng chiều cao cây và số chồi lúa trong khi các phương pháp bón thấm urê chỉ gia tăng số chồi. Không có sự khác biệt số bông m-2, tỷ lệ hạt chắc và trọng lượng 1.000 hạt giữa hai mức bón đạm 80 và 120 kg N ha-1, dẫn đến năng suất giữa hai mức đạm cũng không khác biệt ý nghĩa thống kê với đạt năng suất 7,05 tấn ha-1 khi bón 80 kg N ha-1. Tuy nhiên, không bón đạm đưa đến năng suất lúa thấp (4,75 tấn ha-1) trên đất phù sa tại xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Phương pháp bón thấm urê khi đất “nứt chân chim” sau đó cho nước thấm vào ruộng và giữ ở mực nước khoảng 5 cm hoặc phương pháp bón thấm urê khi đất “nứt chân chim” sau 1 ngày cho nước vào ruộng và giữ ở mực nước khoảng 5 cm không khác biệt về năng suất, nhưng gia tăng năng suất so với phương pháp bón đạm theo truyền thống. Hiệu quả nông học trung bình là 28 - 32 kg hạt lúa trên kg phân đạm bón với và chỉ số thu hoạch trung bình là 0,43.
Từ khóa: Bón thấm urê, hiệu quả nông học của đạm, sinh trưởng, năng suất lúa và đất phù sa