Bài báo cùng quyển |
---|
Khảo sát các dòng lúa mùa nổi tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, vụ mùa 2015 - 2016
Tóm tắt
Hệ thống canh tác lúa mùa nổi thân thiện với môi trường bởi vì không hoặc sử dụng rất ít phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, năng suất lúa mùa nổi thấp. Nghiên cứu nhằm tìm các dòng có năng suất cao hơn giống đang trồng tại địa phương. Thí nghiệm gồm 76 dòng thu thập ở Thanh Bình (Đồng Tháp), Chợ Mới và Tri Tôn (An Giang) được bố trí tuần tự, không lặp lại tại xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Các chỉ tiêu nông học, năng suất, phẩm chất và dịch hại đã được thu thập. Kết quả cho thấy, hầu hết các dòng lúa trong bộ giống trổ vào tháng 11 dương lịch và thu hoạch trong tháng 12, thuộc nhóm lúa mùa lỡ. Thời gian sinh trưởng của các dòng từ 140 đến 165 ngày. Chiều cao cây từ 1,6 m đến 2,5 m, các dòng CM26, CM27, CM28, CM29, CM30, CM31 cao hơn 2 m. Chồi tăng mạnh giai đoạn từ 30 đến 60 ngày sau khi gieo. Số hạt chắc/bông cao nhất 275 hạt và thấp nhất 38 hạt/bông. Có 29 dòng năng suất cao hơn giống đối chứng, trong đó có ba dòng năng suất cao hơn 3 tấn/ha là CM28, TB30 và CM46. Các dòng chống chịu tốt với đạo ôn cổ bông là: CM33, CM45, TT42; chống chịu khá tốt với bệnh thối bẹ là CM45, CM46, TB27, TT26, TT43, TT49 và chống chịu với bệnh đốm nâu gồm TB41, TB42, TB43, TB44, TB45, TB46, TT34. Các dòng có năng suất trong bộ giống có mức chống chịu bệnh từ kháng đến hơi nhiễm. Tỷ lệ bạc bụng cao, nhiệt độ hóa hồ đa số dòng ở mức trung bình. Đáng chú ý có 3 dòng có mức độ hóa hồ thấp – trung bình. Cần tiếp tục nghiên cứu các dòng có năng suất và có khả năng kháng bệnh, đồng thời chú ý đến phẩm chất hạt.
Từ khóa: Lúa mùa nổi, giống/dòng, Chợ Mới, Thanh Bình, Tri Tôn